Varsity Jacket và Bomber Jacket thoạt nhìn giống nhau, nhưng hai mẫu jacket này có một số đặc trưng thiết kế riêng, cũng như những câu chuyện thú vị đặc trưng đằng sau nguồn gốc của nó... Vậy hãy cùng nhà Elnido xem hai loại áo có sự khác nhau như thế nào nhé!
1. Nguồn gốc của hai loại áo
Sự khác biệt rõ ràng của hai loại áo
Varsity Jacket hay còn gọi là Letterman Jacket bắt nguồn từ đồng phục thể thao của các trường trung học phổ thông và đại học tại Mĩ. Bản thân từ ‘Varsity’ cũng là cách nói nhanh của từ ‘University’ (trường đại học) trong tiếng Anh. Lúc đầu, Varsity Jacket có form tương tự với sweater và thường được thấy cùng chữ “H” to được may trước ngực, ghi dấu trường đại học danh tiếng Harvard, nơi được coi như khởi nguồn của mẫu áo này.
Vào năm 1865, các vị huấn luyện viên phát cho tất cả các thành viên trong đội tuyển chiếc áo này nhưng đến cuối mùa giải, chỉ những ai có thành tích giỏi và nổi bất nhất đội mới vinh dự được giữ chúng. Chiếc Varsity Jacket trở thành biểu tượng cho niềm tự hào của bất cứ thành viên nào trong đội tuyển thể thao tại các trường đại học thời điểm đó.
Ngược lại, Bomber Jacket lại có nguồn gốc xuất phát từ các phi công lái máy bay chiến đấu của quân đội Hoa Kì. Chính vì đặc trưng đó, Bomber Jacket thường có chất liệu dày, phải đảm bảo được độ ấm khi máy bay lên cao và bomber jacket làm bằng da cừu là sự lựa chọn tối ưu nhất bấy giờ, nhờ vào khả năng giữ ấm cũng như bảo vệ chấn thương.
Bên cạnh đó, chiếc áo này có tính chất gọn nhẹ, chống thấm nước tốt và thiết kế nguyên thủy của nó thường có lớp lót màu dạ quang - giúp cho đội cứu hộ dễ dàng tìm thấy phi công khi họ không may gặp nạn.
2. Màu sắc tay và thân áo
Với ý nghĩa mang màu sắc biểu tượng riêng và tôn vinh, Varsity Jacket thường sử dụng các chữ cái lớn, các ký hiệu đặc trưng và mang những gam màu nổi bật, tùy theo tổ chức mà nó đại diện. Thông thường, thân áo của varsity jacket sẽ có màu đồng nhất - thường là màu chính thức của đội tuyển thi đấu - và tay áo sẽ có màu khác.
Các thiết kế ban đầu hầu hết có màu tay áo là trắng hoặc đen, tùy theo màu nào tương phản tốt hơn so với màu thân áo. Mặt khác, Bomber Jacket được sử dụng trong quân đội nên thường có màu xanh, nâu da bò hoặc màu lính, nhằm thể hiện rõ nét tính đồng nhất trong đồng phục giữa các người lính trong môi trường quân đội, và có thể có một số chi tiết phụ để thể hiện quân hàm hoặc cấp bậc của người mặc.
3. Màu sắc của cổ áo, tay áo
Varsity Jacket có một điểm đặc trưng đó là tại các viền bo kể trên thường có kẻ ngang hoặc các đường sọc. Màu sắc của sọc sẽ tùy vào phối màu của thân và tay áo nhưng thường sẽ tương đồng với màu chủ đạo của thân áo.
Còn Bomber Jacket thì thường trơn và không có sọc, các viền bo thường mang màu sắc cùng bảng màu với bomber jacket nhưng sẽ có khác biệt khoảng nửa tone để tạo điểm nhấn.
4. Cúc áo
Varsity có phần cúc bấm và bomber có sự khác biệt về tuya khóa kéo.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Varsity Jacket chính là nút đóng (nút bấm), còn Bomber Jacket thì dùng khóa kéo đặc trưng. Từ những năm 1950, nút đóng trở nên được ưa chuộng với đa số các mẫu Varsity Jacket vì tính tiện dụng, độ bền cũng như thẩm mỹ hiện đại của nó, so với khóa kéo truyền thống.
5. Chất liệu của hai loại áo
Với mục đích sử dụng trong môi trường quân đội, bomber jacket phải đảm bảo chất liệu bền, giữ ấm và chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt. Những chiếc bomber truyền thống thường được làm từ da và lông thú, polyester dày, hoặc các chất liệu tổng hợp tăng cường khác để phù hợp với môi trường chiến đấu khắc nghiệt.
Ngược lại, Varsity Jacket thường sử dụng nỉ cotton hoặc da lộn (suede) làm vải chính. Theo thời gian, nhiều thiết kế Bomber Jacket hiện đại thường được phá cách khi sử dụng chất liệu cotton hay polyester mỏng nhẹ hơn để phù hợp với việc sử dụng thường ngày. Còn Varsity Jacket cũng “biến hình” đa dạng thông qua sự phối hợp sáng tạo của những chất liệu như da, polyester hoặc thậm chí là vải corduroy hay seersucker.
6. Logo của từng loại áo
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất trong một chiếc Varsity Jacket là logo bên ngực, dưới dạng một miếng patch lớn được thêu hoặc in - logo đó có thể là biểu tượng của trường hoặc một tổ chức.
Bomber thì thường là trơn, mặc dù những thiết kế hiện đại có thể sử dụng những patch cỡ nhỏ hoặc các hình in để làm nổi bật cảm hứng bụi bặm, phóng khoáng của mẫu áo khoác gắn liền với hình tượng của những phi công Hoa Kỳ.